Theo bạn, sứ mạng của người mẹ là gì? B. Babbles từng nói: "Sứ mạng của người mẹ không phải là làm chỗ dựa cho con cái mà là làm cho chỗ dựa ấy trở nên không cần thiết". Câu nói trên mang hàm ý gì? Hãy cùng Blog Làm văn nghị luận suy nghĩ về nó nhé.
Sứ mạng của người mẹ là làm cho chỗ dựa ấy trở nên không cần thiết - Blog Làm văn nghị luận |
Đề bài:
"Sứ mạng của người mẹ không phải là làm chỗ dựa cho con cái mà là làm cho chỗ dựa ấy trở nên không cần thiết". (B. Babbles)
Em có suy nghĩ gì về cách giáo dục con cái qua câu nói trên?
Gợi ý làm bài:
Nguyễn Khoa Điềm từng gắn liền hình ảnh người mẹ và những quả "lớn xuống" như bầu bí, một tình mẫu tử thiết tha:
Lũ chúng tôi một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ mong chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.
Mỗi chúng ta đều có mẹ và cần có mẹ - để được dựa dẫm và yêu thương những khi yếu mềm, mệt mỏi. Tuy nhiên, "Sứ mạng của người mẹ không phải là làm chỗ dựa cho con cái mà là làm cho chỗ dựa ấy trở nên không cần thiết", để ta có thể tự lập và trưởng thành một cách trọn vẹn.
1. Giải thích câu nói:
- Sứ mạng: hàm chứa trách nhiệm lớn lao và vô cùng cao cả. Mẹ chính là người mang vác trách nhiệm thiêng liêng ấy.
- Tình mẫu tử thiết tha, sâu sắc, xuyên thấm vào từng tế bào.
- Hiểu theo nghĩa rộng, câu nói đề cập đến vai trò của mái ấm gia đình - nơi chúng ta tìm về sau bao bộn bề mệt mỏi đời người. Nơi luôn sẵn lòng dang tay chở che, ấp ôm, vỗ về. Đó chính là chiếc nôi chấp cánh bao ước mơ đẹp đẽ, là điểm tựa vững chãi để chúng ta "nhấc bổng cả thế giới" với vô vàn khát vọng lớn lao.
- "Dạy con từ thuở còn thơ" - sự giáo dục của gia đình luôn là yếu tố hình thành nên nhân cách một con người.
- Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần để mọi sự nâng đỡ của mình làm điểm tựa cho con trẻ, tránh sự lệ thuộc, ỷ lại - tức là "làm cho chỗ dựa đó trở nên không cần thiết". Những đứa trẻ có khả năng vượt qua những trở ngại, va vấp thì mới đủ ý chí và nghị lực để đối mặt với bao sóng gió cuộc đời.
=> Câu nói trên đưa ra một quan điểm giáo dục đúng đắn và thiết thực. Đó là việc giúp con cái chủ động, tích cực, không dựa dẫm, rèn luyện tính cách và bản lĩnh cá nhân.
Mẹ và quả - Blog Làm văn nghị luận |
2. Chứng minh:
"Trí tuệ của con người trưởng thành trong tĩnh lặng, còn tính cách trưởng thành trong bão táp." W.Gơt.
- Cuộc sống luôn có những thử thách và chông gai để con người có cơ hội trưởng thành hơn mỗi ngày. Và không ai có thể ở cạnh bên bạn, giúp bạn giải quyết khó khăn mãi. Vì thế, mỗi chúng ta cần học cách đối mặt và vượt qua, không dựa dẫm, không ỷ lại.
"Bạn sẽ thấy mình ở một bậc cao hơn sau mỗi lần vượt qua nghịch cảnh".
Dẫn chứng:
Người Nhật dạy dỗ con cái phải biết tự vươn lên bằng chính nỗ lực của mình ngay khi còn nhỏ, từ việc tự mình đến trường dù mưa tuyết kín đường đi nữa, với câu cửa miệng "Gambate" - cố gắng. Dù điều kiện cuộc sống của họ có thể đưa đón con cái đến trường bằng ô tô... tuy nhiên họ muốn dạy con mình hiểu rằng chúng không thể chờ đợi người khác giúp đỡ mình mỗi khi khó khăn, mà nhất định phải chủ động và can đảm vượt qua. Chính vì thế, người Nhật dù phải gánh chịu biết bao thiên tai, đất nước nhỏ bé về diện tích ấy vẫn hiên ngang trụ vững.
- Tuy nhiên có nhiều phụ huynh vì quá thương con cái nên luôn vòng tay khư khư bao bọc, khiến con mình bị động, non nớt, thiếu kĩ năng đối mặt với khó khăn. Điều đó khiến người trẻ dễ dàng lúng túng, mất phương hướng, dễ bi quan và rơi vào trạng thái tiêu cực... khi phải tự mình đối mặt với cuộc sống.
- Tình yêu thương phải vừa đủ và đúng đắn, nhất là trong thời buổi ngày nay, cuộc sống ngày càng phức tạp, nhiều chiều. Để thích nghi và phát triển, chúng ta cần có những kĩ năng và bản lĩnh nhất định.
- Thế nhưng, mặt khác, cha mẹ không nên buông lỏng quá mức, thiếu quan tâm đúng mực dành cho con cái của mình. Cha mẹ cần định hướng, uốn nắn để giúp con cái mình có hướng đi đúng đắn, làm điểm tựa và dẫn dắt con mình hình thành nhân cách tốt đẹp.
Trí tuệ của con người trưởng thành trong tĩnh lặng, còn tính cách trưởng thành trong bão táp - Blog Làm văn nghị luận |
"Sự đau khổ là bà mẹ nuôi dưỡng phẩm chất kiên cường và độc đáo. Sự khó khăn có thể làm nảy sinh sức mạnh tinh thần và tình cảm. Tai nạn là bà vú của lòng bất khuất, hiểm họa là nguồn sữa bổ nuôi dưỡng người anh hùng trưởng thành". (Huy-gô)
Dẫn chứng:
Nhân vật bà Hiền trong Một người Hà Nội của nhà văn Nguyễn Khải - một người phụ nữ chu đáo và thông minh, lại hết sức đúng đắn và tinh tế trong cách dạy con cái. Người phụ nữ ấy quan niệm chẳng những cho con cuộc đời mà còn phải giáo dục chúng có một nhân cách, tương lai không bị lệ thuộc "... nếu ông và tôi sống đên sáu mươi thì con út đã hai mươi có thể tự lập được, khỏi phải sống bám vào các anh chị".
3. Bài học:
- Câu nói "Sứ mạng của người mẹ không phải là làm chỗ dựa cho con cái mà là làm cho chỗ dựa ấy trở nên không cần thiết". (B. Babbles) là kim chỉ nam trong việc giáo dục con cái dành cho bậc phụ huynh. Bên cạnh đó, vừa nhắc nhở những người trẻ cần có lối sống chủ động, tích cực, tránh ỷ lại, dựa dẫm vào gia đình, kiên trường trước nghịch cảnh.
- Cần rèn luyện bản thân mình ngay từ những việc nhỏ nhặt nhất, chủ động sắp xếp thời gian, giải quyết khó khăn, đưa ra những quyết định và chịu trách nhiệm với kết quả mình tạo ra.
4. Kết bài:
"Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố". (Nhật kí Đặng Thùy Trâm).
Mỗi chúng ta đều cần có một bờ vai để dựa vào lúc yếu mềm, vấp ngã. Mỗi chúng ta đều cần một mái ấm để trở về sau những bão giông. Thế nhưng chúng ta phải mạnh mẽ, kiên cường, không nên là gánh nặng của người khác. Va vấp để trưởng thành, hiểu đời, hiểu mình hơn.
Quả thật, "Sứ mạng của người mẹ không phải là làm chỗ dựa cho con cái mà là làm cho chỗ dựa ấy trở nên không cần thiết". (B. Babbles)
Thế nhưng, dù thế nào, chúng ta vẫn cần điểm tựa tinh thần ấy suốt cuộc đời - nơi ấm áp nhất thế gian. Và, vì thế, chúng ta cần lớn lên để làm điểm tựa cho người phụ nữ yêu thương ấy.
---
Hãy cùng Blog Làm văn nghị luận ngợi ca sứ mệnh cao cả của người mẹ nhé!
---
Hãy cùng Blog Làm văn nghị luận ngợi ca sứ mệnh cao cả của người mẹ nhé!