Tóm tắt đặc điểm phong cách Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng tháng Tám

Nguyễn Tuân (SGK NV12) là một tác gia lớn của nền văn học Việt Nam với phong cách nghệ thuật độc đáo và sâu sắc. Đặc điểm phong cách Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng là một chuyển biến lớn trong cuộc đời của người nghệ sĩ yêu cái đẹp này. Blog Làm văn nghị luận gửi đến bạn đọc tóm tắt về phong cách Nguyễn Tuân qua bài viết sau.



1. Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân:

Nguyễn Tuân có một phong cách nghệ thuật độc đáo và sâu sắc.

(1) Phong cách ấy, trước hết có thể thâu tóm trong một chữ "ngông". Ngông là phản ứng tiêu cực nhưng kiêu ngạo đối với xã hội. Người chơi ngông muốn dựa vào tài hoa, sự lịch lãm và nhân cách hơn đời để đặt mình lên trên thiên hạ. Thái độ ngông của Nguyễn Tuân có màu sắc riêng: vừa kế thừa truyền thống "ngông" của các nhà nho tài hoa bất đắc chí như Nguyễn Công Trứ, Tú Xương, Tản Đà..., vừa tiếp nhận ảnh hưởng tư tưởng cá nhân chủ nghĩa của văn hóa phương Tây hiện đại. Thể hiện phong cách này, mỗi trang viết của Nguyễn Tuân đề muốn chứng tỏ sự độc đáo, tài hoa và uyên bác. Chất tài hoa và uyên bác trong văn Nguyễn Tuân thể hiện ở những điểm:

- Khám phá, phát hiện sự vật ở phương diện văn hóa, thẩm mĩ: "Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình" (Người  lái đò Sông Đà).
- Nhìn con người ở phương diện tài hoa, nghệ sĩ: nhân vật Huấn Cao có tài viết chữ đẹp và nhân cách cao quý (Chữ người tử tù).
- Vận dụng tri thức của nhiều ngành văn hóa, nghệ thuật khác nhau về đối tượng sáng tác để tạo hình tượng. Con sông Đà hung bạo và những trận thủy chiến của ông lái đò được ghi lại bằng kiến thức của văn chương, hội họa, điện ảnh, địa lí, lịch sử, quân sự, võ thuật (Người lái đò Sông Đà).

(2) Nguyễn Tuân học theo "chủ nghĩa xê dịch" chẳng qua là luôn thèm khát những cảm giác mới lạ. Đấy là "một nguồn sống bồng bột tắc lối thoát" (Tóc chị Hoài). Ông không thích cái gì bằng phẳng, nhợt nhạt, khuôn phép yên ổn. Ông là nhà văn của những tính cách độc đáo, của những tình cảm, cảm giác mãnh liệt, của những phong cảnh tuyệt mĩ, của gió, bão, núi cao, rừng thiêng, của thác ghềnh dữ dội...

(3) Sử dụng thể văn tùy bút hết sức phóng túng với nhân vật chính là cái tôi chủ quan của tác giả, có đóng góp không nhỏ cho ngôn ngữ văn học.

- Kho từ vựng của ông rất phong phú: nhìn ven bờ Sông Đà, thấy nó hoang dại như một bờ tiền sử (Người lái đò Sông Đà).
- Tổ chức câu văn xuôi đầy giá trị tạo hình, có nhạc điệu trầm bổng, cách phối âm, phối thanh linh hoạt tài hoa: Nước con sông thời thế Vị Hoàng bất chấp mọi sự ráo kiệt cạn lấp, đến ngày nay vẫn còn chảy tới thế hệ chúng ta hợp lưu với lòng chúng ta, chính là do cái nguồn mạch trữ tình của hai câu sau đẩy nó đi xa lắm, và mạch nước ngầm ấy còn chảy xa lắm. (Thời thơ Tú Xương).

2. Sự chuyển biến về phong cách nghệ thuật trước và sau Cách mạng tháng Tám:

- Trước Cách mạng:

+ Quan niệm về cái đẹp chỉ có trong quá khứ gọi là "vang bóng một thời" và tài hoa nghệ sĩ chỉ có ở những con người xuất chúng, thuộc thời trước còn vương sót lại (Nguyễn Tuân gọi là "sinh lầm thế kỉ", bơ vơ lạc lỏng trong thời hiện đại).
+ Tìm cảm giác mạnh ở quá khứ "vang bóng một thời", ở chủ nghĩa xê dịch, ở đời sống trụy lạc.
+ Sử dụng thể văn tùy bút, thiên về diễn tả nội tâm của cái tôi chủ quan.

- Sau Cách mạng:

+ Không đối lập quá khứ với hiện tại. Cái đẹp có cả ở quá khứ, hiện tại và tương lại và tài hoa có ở cá nhân đại chúng.
+ Tìm những hiện tượng gây cảm giác mạnh ở những phong cảnh đẹp, hùng vĩ của thiên nhiên đất nước và những thành tích của nhân dân trong chiến đấu và xây dựng.
+ Vẫn dùng thể văn tùy bút nhưng có pha chút kí với bút pháp hướng ngoại, để phản ánh hiện thực, ghi chép thành tích chiến đấu, xây dựng của nhân dân.