Vài quan niệm văn chương của các nhà văn lớn

Đối với dạng bài làm văn nghị luận, để bài viết trở nên có chiều sâu và "nặng kí" hơn, hẳn người viết phải đưa vào đó lí lẽ và lập luận mang tính triết lí của các nhà văn lớn. Blog xin trích dẫn vài quan niệm về văn học nghệ thuật của một vài người "nghệ sĩ của ngôn từ" sau.



"Văn học nghệ thuật là một cái gì phải kinh qua sự phê phán, nhận xét của đông đảo của quần chúng, lại kinh qua sự gạn lọc của thời gian. Trừ những sáng tác hiển nhiên có hại, còn thì đối với tất cả những sáng tác của bất cứ ai, viết về bất cứ đề tài gì, không thể nhìn qua một lượt rồi phân loại một cách khinh suất như người ta phân loại thức ăn: cái này tươi, cái này ươn... v.v 
Ai cũng có quyền phê bình nhận định, nhưng sự phê bình vẫn phải xuất phát từ những động cơ thật tốt: thương yêu bạn bè, đem tình đem lý ra mà bình tĩnh bàn bạc để xây dựng cho từng tác giả, từng tác phẩm và nhằm vào mục đích cuối cùng là đẩy phong trào văn học tiến triển mãi lên, nẩy nở mãi ra, chứ không đập túi bụi cho nó tàn lụi đi, đưa vào cớ này hay cớ khác. Hết sức tránh sự hàm hồ, nóng nảy và (như người ta vẫn thường nói:) thô bạo" 

Nhà văn Sơn Nam 



"Trong văn học, chúng ta phải kịp thời vạch ra và đấu tranh với những khuynh hướng tư tưởng xấu, nhưng nhất thiết chúng ta phải phân biệt cho được những phần tử mang động cơ xấu lợi dụng ngòi bút với những người cầm bút có những phút yếu đuối, và những người cầm bút chân chính luôn luôn tìm tòi, thể nghiệm, cho nên đã có những bước vấp váp. Với những bước vấp váp ấy, phê bình cần phải chỉ ra nhưng không nên thành kiến, lại càng không nên lấy đó để kết luận, ràng buộc vào cả một cuộc đời, một sự nghiệp......... 

Những người lớn chúng ta có một cái tật xấu là chuyên viết những cuốn sách khuyên trẻ con đi phiêu lưu, còn mình thì ngồi nhà, để không bao giờ phải trả giá. Cái tiêu chuẩn cuối cùng để định giá cuộc đời một nhà văn, một người nghệ sĩ nói chung là chất lượng những tác phẩm anh ta đem đến cho mọi người, chứ không phải một vài bước vấp váp trên đường tìm kiếm. 
......Tác phẩm thì nhiều mà các tờ báo văn học của ta chỉ đủ sức in một bài phê bình về một cuốn sách. Tác phẩm bị chê hay được khen trong một bài trở thành thứ định mệnh đã an bài. Nếu người phê bình đúng thì không sao, nhưng có thể sai, có thể có những ý kiến không thích đáng chứ?Như chúng ta thường biết, sự thật cuối cùng bao giờ cũng nảy ra bằng trao đổi, tranh luận. Làm sao để cho có không khí trao đổi, tranh luận trong văn học thật cởi mở và bổ ích?" 

Nhà văn Nguyễn Minh Châu 


"Để cứu vãn văn bản - có nghĩa là, để biến nó từ một ảo tưởng về ý nghĩa đến sự tự ý thức rằng ý nghĩa là vô định- người đọc phải nghi ngờ rằng mỗi dòng chữ của nó nhượng mình cho một ý nghĩa bí mật khác; chữ nghĩa, ngược lại cái nó nói ra, giấu kín cái không nói; vinh quang của người đọc chính là khám phá ra rằng văn bản có thể nói bất cứ điều gì, trừ cái điều mà tác giả của nó muốn nó mang nghĩa; vừa vào lúc một ý nghĩa được cho là khám phá ra, chúng ta lại chắc chắn là nó không phải là cái có thực; cái có thực là cái cần phải thêm vào hơn nữa và cứ như thế mà tiếp tục; những người hylics - những kẻ thua cuộc - là những người chấm dứt quá trình bằng cách nói rằng "TÔI ĐÃ HIỂU". 

Nhà nghiên cứu Umberto Eco