Phân tích đoạn thơ trong bài "Việt Bắc" của nhà thơ Tố Hữu

14:27:00 Làm văn nghị luận 0 Comments

Điều còn lại của mỗi nhà văn chính là cái giọng nói riêng của chính mình. Tố Hữu đã làm nên cho mình một thế riêng, một chân dung tinh thần riêng. Thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc, mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, trữ tình với giọng điệu thiết tha, ngọt ngào... Tất cả những yếu tố ấy đã làm nên một phong cách thơ rất Tố Hữu, không lẫn vào bất kỳ một cây bút khác được.


1. Mở bài:

"Nghệ thuật nằm ngoài quy luật của sự băng hoại." (Xan tư khốp Seedrin) Có những bài thơ đi qua cuộc đời ta, giản dị và mơ hồ với những rung động của cảm xúc, với những nhịp đập rất mực êm ái của trái tim... như gieo vào lòng ta nốt nhấn của cảm xúc. Những nốt nhấn của cảm xúc ấy cứ đeo bám và ám ảnh suốt đời làm ta không thôi day dứt và trăn trở. Đó là những vần thơ hay, những câu thơ đẹp đạt đến chuẩn mực của cái đẹp, của nghệ thuật. "Việt Bắc" của Tố Hữu là một bài thơ như thế. Cái giọng điệu trữ tình tha thiết, ngọt ngào của Tố Hữu cứ vỗ vào lòng ta như những con sóng không thôi vỗ vào bờ biển, nhất là đoạn thơ:
"Mình đi có nhớ những ngày
Mưa ngồn suối lũ những mây cùng mù
Mình về có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai
Mình về rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già
Mình đi có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son."

2. Thân bài:

Điều còn lại của mỗi nhà văn chính là cái giọng nói riêng của chính mình. Tố Hữu được xem là một nhà thơ lớn của dân tộc, là một tác gia lớn với sự nghiệp thơ ca đồ sộ. Sớm giác ngộ Cách mạng, nhà thơ hăng say tham gia kháng chiến, dùng ngòi bút của mình để phục vụ cho cuộc chiến đấu của dân tộc. Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Tố Hữu đã làm nên cho mình một thế riêng, một chân dung tinh thần riêng. Thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc, mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, trữ tình với giọng điệu thiết tha, ngọt ngào... Tất cả những yếu tố ấy đã làm nên một phong cách thơ rất Tố Hữu, không lẫn vào bất kỳ một cây bút khác được:
"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim".
(Từ ấy)

Sau những tiếng ca reo vui, hân hoan khi tìm thấy lí tưởng, ta bắt gặp một giọng điệu tâm tình, thủ thỉ đầy lưu luyến, thiết tha qua bài thơ "Việt Bắc", in trong tập thơ cùng tên của ông, viết sau khi đất nước được giải phóng. Trong buổi chia ly, người đi, kẻ ở không thôi lưu luyến, ngậm ngùi với cái bịn rịn, không muốn xa rời:
"Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay."
Tố Hữu đã thay lời con tim muốn nói, viết lên những câu thơ bất hủ diễn tả nỗi nhớ nhung, lưu luyến, bịn rịn của người cán bộ Cách mạng về xuôi và Việt Bắc. Đoạn thơ trên là lời của người ở lại với những nhắn nhủ thiết tha.
"Mình đi có nhớ những ngày
Mưa ngồn suối lũ những mây cùng mù
Mình về có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai".
Tố Hữu đã thay lời người ở lại nhắc nhở gợi nhớ đến những kỉ niệm đã qua gắn bó nghĩa tình. Đó là những kỉ niệm vui buồn giữa bao gian lao nơi mặt trận. Lời thơ gợi nên một không gian chiến đấu với những ngày dài "mưa nguồn" lạnh giá, đến "suối lũ" gian nan... Những năm tháng "miếng cơm chấm muối" thiếu thốn nhưng vẫn kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm, vẫn không quên "mối thù nặng vai", như nhà thơ Quang Dũng từng viết:
"Nhớ ôi Tây Bắc cơm lên khói"
Họ- những người "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", ra đi "không hẹn ước" ngày về đã phải trải qua biết bao thiếu thốn, gian lao, và chính họ "đã làm nên đất nước".
"Mình về rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già
Mình đi có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son."
Người ở lại nhắc lại quá khứ để thêm một lần nữa khắc sâu kỉ niệm vào lòng cùng những ân tình sâu nặng. Ban đầu là "rừng núi nhớ ai", sau lại là "có nhớ những nhà". Từ viêc khẳng định nỗi nhớ khôn nguôi trong lòng người ở lại, vừa gợi nhắc người cất bước đi đừng quên tình nghĩa keo sơn bền chặt.
"Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son".
Hình ảnh những cây bông lau gợi buồn, gieo vào lòng người bao nỗi nhớ nhung tha thiết. Từ láy "hắt hiu" lại càng tô đậm thêm cái mong manh, hoang vắng nơi chứa đựng những kỉ niệm yêu thương, nơi hiện hữu những tấm "lòng son" luôn "đậm đà" tình nghĩa. Phải có một trái tim rộng mở, gắn bó và yêu thương quê hương sâu nặng, nhà thơ mới có thể cảm nhận được những nỗi đau chia lìa rồi gói gọn trong từng câu thơ như thế.
Từ "mình" được sử dụng thật đặc sắc. Lời thơ như ngọt ngào, gần gũi, thiết tha, mộc mạc, chân thành. Từ "nhớ" được lặp lại ở mỗi câu sáu càng điểm tô thêm nỗi nhớ thương thiết tha của người ở lại mà cũng là nỗi lòng của kẻ ra đi. Nỗi nhớ thêm phần sâu sắc sau mỗi lần điệp lại như những con sóng cứ ùa vào nhau, thi nhau tràn vào bờ cát dài ươm nắng.
Thơ là tiếng nói của tâm hồn, là sự tự giã bày và gửi gắm tâm tư. Tố Hữu viết những lời thơ ấy như tự nhắc nhở chính mình về nghĩa tình sâu nặng cùng những năm tháng gắn bó với đồng đội không thể nào quên. Nhắc nhở mình phả "nhớ", nhưng chính Việt Bắc cũng đã trở thành máu thịt của nhà thơ, tựa hồ như:
"Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn".
(Chế Lan Viên)
"Thơ, nếu không có người tôi đã mồ côi" - Gamza tôp đã từng thốt lên như thế. Bài thơ là khúc hát của trái tim, chẳng khác gì là nhạc, là họa. Tất cả những ý vị mà nhà thơ muốn gửi đến người đọc đều được chuyển tải bằng ngôn từ và nhịp điệu trầm bổng, ngân nga hay lắng đọng. Đọc đoạn thơ này ta cũng bắt gặp điều đó. Thể thơ lục bát đã được khai thác triệt để, diễn tả một cách tinh tế từng cung bậc cảm xúc. Đơn giản nhưng sâu sắc, nhẹ nhàng nhưng lan tỏa thấm sâu, thơ hay không chỉ ở cái tài mà còn cả cái tâm sâu sắc của nhà tơ - Tố Hữu. Những vần thơ chính trị nhưng vẫn đậm chất trữ tình thiết tha. Nhà thơ cần "một chữ tình để duy trì thế giới và một chữ tài để xoay chuyển càn khôn", Tố Hữu đã làm được điều đó.

Thơ ca là niềm vui cao cả mà con người tạo ra cho mình. Mỗi nhà thơ nhà văn đều giống nhau ở chỗ viết nên những lời mà trái tim muốn nói, nhưng mỗi người lại có một phong cách riêng, giọng điệu và cảm quan riêng. Bởi nghệ thuật vốn không có sự lặp lại và hẳn là người đọc phải thật sự trải lòng mình ra mới có thể cảm nhận hết thông điệp thẩm mĩ mà tác giả muốn gửi gắm. Cũng như chỉ có đặt mình vào vị trí của nhân vật trữ tình trong bài thơ "Việt Bắc" ta mới hiểu được nỗi lòng mà Tố Hữu dụng tâm dụng sức muốn nói lên.

3. Kết bài:

"Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Riêng những câu thơ còn xanh
Riêng những câu hát còn xanh".
(Văn Cao)
Những vần thơ của nhà thơ Tố Hữu sẽ mãi xanh cùng tháng năm. Tự bao giờ, "Việt Bắc" đã vượt sự băng hoại của thời gian và ở mãi trong lòng bao độc giả...
----
PS: Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Mời các bạn đọc và bấm LIKE cho truyện ngắn "Kế hoạch làm bạn" của mình, bằng cách bấm vào link nàyclick vào nút LIKE - SHARE ở cuối bài nhé.
Để lại nhận xét của bạn để mình có thể có nhiều bài viết tốt hơn. Cảm ơn mọi người.

You Might Also Like