"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc" của nhà thơ Quang Dũng

20:19:00 Làm văn nghị luận 0 Comments

Bằng một nét rất riêng, đậm dấu ấn sáng tạo và đầy cá tính, Quang Dũng đã dựng nên bức tượng đài người lính - anh "vệ trọc", "đoàn binh không mọc tóc" đầy ấn tượng mới mẻ và sâu sắc trong lòng bao độc giả qua bài thơ "Tây Tiến".


Đề bài: Phân tích đoạn thơ sau trong bài "Tây Tiến" của Quang Dũng:

"... Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành".

1. Mở bài:

"Văn học đối với tôi là một hiện tượng đẹp đẽ nhất trên thế giới". Đến với mỗi tác phẩm văn chương, ta tìm thấy ở đó một tâm hồn thổn thức theo một nhịp sóng riêng. Mỗi nhà văn, nhà thơ tựa như một "hóa công" làm bất tử hóa những hình tượng nhân vật của riêng mình. Bằng một nét rất riêng, đậm dấu ấn sáng tạo và đầy cá tính, Quang Dũng đã dựng nên bức tượng đài người lính đầy ấn tượng mới mẻ và sâu sắc trong lòng bao độc giả:
"... Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành".

2. Thân bài:

Thật vậy! Thơ là tiếng nói của tâm hồn, là kết tinh của những dòng cảm xúc tràn đầy. Quang Dũng, với tình yêu nước, tình đồng đội, tình quân dân đã góp nên những vần thơ bất hủ. Từng tham gia vào chiến tuyến, Quang Dũng giữ những chúc vụ quan trọng, làm đại đội trường cho đoàn quân Tây Tiến, với nhiệm vụ lên Tây Bắc, kết hợp cùng với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới. Cuộc hành quân gian khổ nhưng đầy ấp kỉ niệm yêu thương đã khắc sâu vào trái tim nhà thơ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, "đoàn binh" ấy đã giải tán, chính sự chia ly ấy đã thổi bừng lên ngọn lửa của nỗi nhớ trong lòng nhà thơ. Tại Phù Lưu Chanh, Quang Dũng đã viết nên bài thơ "Tây Tiến" bằng một nỗi nhớ thiết tha, nồng nàn.
Có thể thấy, những áng văn viết về người lính khá phổ biến, nhiều nhà thơ đã rất thành công khi xây dựng cho mình một bức chân dung rất riêng về người lính như: "Đồng chí" của Chính Hữu, hay "Tống biệt hành" của Thâm Tâm... Thế nhưng nghệ thuật vốn không có sự lặp lại, cũng như hình ảnh người lính của Quang Dũng có nét riêng, không thể lẫn lộn vào đâu được. Họ là những con người thuộc tầng lớp trí thức tiểu tư sản, xuất thân ở đất Hà Thành tham gia vào kháng chiến trong một tư thế "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Người lính của Quang Dũng không chỉ mang vẻ đẹp hào hùng mà còn đậm chất hào hoa lãng mạn. Họ đẹp một cách lạ kỳ trong lòng người đọc:
"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm"
Vẻ ngoài của người lính Tây Tiến thật ấn tượng. Họ là những chàng trai "không mọc tóc". Điều đó làm nên vẻ oai hùng, lẫm liệt, hiên ngang cho người chiến sĩ. Thế nhưng đằng sau ấy lại là một nỗi xót xa. Họ thiếu thốn về vật chất, những căn bệnh, hoàn cảnh chiến tranh không cho phép họ có thời gian chăm chút cho ngoại hình của mình. Không phải là "đoàn quân" mà là cả một "đoàn binh" - "không mọc tóc", đã vậy mà còn "xanh màu lá". Đó là màu xanh của lá ngụy trang, là màu xanh của hy vọng hay lại là sắc xanh của da khi gặp phải cơn rét rừng? Dù bệnh, dù gian nan nhưng họ vẫn giữ một tư thế "dữ oai hùm", là khí phách, tựa hồ như "hào khí Đông A" của người xưa.
"Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"
Những người lính luôn sẵn sàng chiến đầu. Đôi "mắt trừng" chính là tâm thế sẵn sàng xung trận. Họ đẹp, hào hùng nhưng cũng hào hoa và lãng mạn. Họ biết mơ mộng, biết yêu thương, biết nhớ về "dáng kiều thơm" - những cô gái Hà Nội đẹp và đầy yêu thương trong mắt người ra trận.
"Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh"
Người lính ra đi đã biết trước sẽ khó có ngày trở lại.Cái chết, cái bi thương ít được nhắc đến trong văn chương lúc bấy giờ. Thế nhưng, Quang Dũng đã nghiêng bút viết về điều đó. Bi nhưng không lụy, đó là cái bi hùng của người ra trận. Họ hy sinh vì đất nước, quê hương, sẵn sàng chiến đầu trong tư thế như lúc ban đầu: "Gục lên súng mũ bỏ quên đời!". "Súng, mũ", hành trang vẫn còn đấy nhưng người chiến sĩ đã "về đất", về với quê hương nguồn cội. Chính vì xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, họ sẵn sàng "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh". Họ không tiếc hy sinh tuổi trẻ, hy sinh tình yêu riêng tư... để đến với Tổ quốc, vì nhân dân... Sự hy sinh cao cả ấy đã dựng nen bức tượng đài cao cả và bất tử về người lính Tây Tiến trong lòng nhà thơ và trong tâm hồn độc giả.
"Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành"
Quang Dũng viết về cái chết, bi nhưng không lụy, mà lại hào hùng và bi tráng. Nếu các vị tường ngày xưa khoác lên mình tấm chiến bào xông pha nơi trận mạc và khi hy sinh thì "da ngựa bọc thây", thì nhưng chàng trai Tây Tiến lại khoác lên mình tấm "áo bào" đơn sơ, giản dị. Sự kết hợp khéo léo giữa một vật quá bình dị, đời thường - tấm "áo" với một từ ngữ chỉ sự trang trọng, cầu kì - "bào", đã làm nên một nét độc đáo. Tấm áo đơn sơ và giản dị ấy tựa hồ như một chiếc chiến bào của riêng "đoàn binh" Tây Tiến. Tấm "áo bào" gắn bó với người lính trong suốt cuộc hành trình chiến đấu, chứng kiến bao gian khổ ác liệt anh đã phải trải qua, và rồi, theo anh trở về nguồn cội. Tấm áo ấy làm ta nhớ đến tấm áo của người "anh du kích" trong thơ Chế Lan Viên:
"Con nhớ anh con người anh du kích
Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn
Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách
Đêm cuối cùng anh gửi lại cho con".
(Tiếng hát con tàu)

Họ đều là những người tình nguyện hy sinh vì đất nước đáng để tự hào và ngợi ca. Họ sẵn sàng chấp nhận gian khổ, đối mặt với sự ác liệt của trận chiến giành lại quê hương. Họ đến với Cách mạng trong tư thế sẵn sàng cho tất cả. Họ không trang bị gì cả ngoài trái tim tràn đầy nhiệt huyết. "Chiếc áo nâu" hay "áo bào" đơn giản càng tôn thêm nét đẹp cao quý và hào hùng của họ. Họ "về đất" và làm nên đất nước của ngày hôm nay tươi đẹp. Họ không ra đi mà đã hóa thân thành hình hài núi non, giang sơn đất nước anh hùng. Sự ra đi ấy đã trở thành một nỗi thương tiếc không nguôi, đầy bi phẫn:
"Sông Mã gầm lên khúc độc hành"
Nếu ngày ra di, Sông Mã tiễn anh lên đường thì ngày hy sinh, "sông Mã" dang rộng vòng tay yêu thương ôm anh vào lòng. "Khúc độc hành" hay là khúc hát chia ly, là lời tiễn đưa đầy thương tiếc, xót xa của người ở lại? Cả sông núi như đang khóc thương cho sự mất mát ấy. Quang Dũng viết về cái mất mát, cái bi nhưng đầy trang trọng. Phải có một tình yêu thương chân thành, gắn bó sâu sắc thì Quang Dũng mới có thể viết nên những vần thơ tài hoa và giàu tình cảm như vậy.

Đánh giá:

Thơ khởi sự từ tâm hồn, vượt lên bằng tầm nhìn và đọng lại nhờ trái tim người viết. Quang Dũng viết về người lính trong nỗi nhớ bao trùm - "nhớ chơi vơi". Bằng tình yêu thương, quý trọng, nhà thơ đã khắc họa nên hình tượng người lính Tây Tiến hào hùng, hào hoa và lãng mạn. Lời thơ tha thiết, dạt dào cảm xúc, bi nhưng không lụy, đau thương nhưng vẫn lẫm liệt, oai hùng. Quang Dũng đã dựng nên một tượng đài bất tử về hình tượng người lính, độc đáo, mới lạ nhưng vẫn rất đời thường và đầy yêu thương.
Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, mỗi nhà văn, nhà thơ cần chọn cho mình một lối đi riêng, một thế giới riêng. Bởi nếu không có giọng nói riêng thì sẽ chẳng bao giờ thành nhà văn cả. Quang Dũng đã thành công vì điều đó. Ý thức được vai trò của sự sáng tạo trong sáng tác, Quang Dũng cũng viết về người lính, về sự hy sinh nhưng người lính ở đây đẹp một phong cách không lặp lại. "Văn chương không cần một người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo nên những cái gì chưa có" (Nam Cao). Và cũng như chỉ đến với "Tây Tiến" của Quang Dũng ta mới tìm thấy hình ảnh của anh "vệ trọc" với tư thế "súng ngửi" trời, hoàn toàn mới mẻ và độc đáo riêng so với hình ảnh "đầu súng trăng treo" của Chính Hữu. Người đọc phải sống trọn vẹn với tác phẩm bằng cả tâm hồn, trải lòng mình cùng bao rung cảm của người cầm bút, mới có thể thấm thía hết cái hay của nó.

3. Kết bài:

Nghệ thuật bất chấp mọi sự băng hoại của thời gian và chỉ mình nó không thừa nhận cái chết. Hình ảnh người lính của Quang Dũng tựa như chiếc lá, thả trôi vào dòng chảy bất tận của thời gian, mãi in sâu vào lòng độc giả. Chưa có ai, kể cả thi sĩ có thể đo lường được sức chứa của trái tim. Và nơi ấy, mãi có một góc dành riêng cho hình ảnh anh "vệ trọc" của hồn thơ Quang Dũng ngự trị.
---
PS: Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Mời các bạn đọc và bấm LIKE cho truyện ngắn "Kế hoạch làm bạn" của mình, bằng cách bấm vào link nàyclick vào nút LIKE - SHARE ở cuối bài nhé.
Để lại nhận xét của bạn để mình có thể có nhiều bài viết tốt hơn. Cảm ơn mọi người.

You Might Also Like