Phân tích quá trình tha hóa và thức tỉnh của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao
Quá trình tha hóa và thức tỉnh của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao là diễn biến chính làm nên một bước ngoặt lớn đầy kịch tính về cuộc đời và tâm lý nhân vật. Qua đó ta thấy được hiện thực được phơi bày một cách chân thực và đầy bi kịch, cùng tài năng và tấm lòng của tác giả Nam Cao. Cùng Blog Làm văn nghị luận điểm qua các ý chính và cách diễn đạt nhé.
Là một cây bút xuất sắc trong trào lưu văn học hiện thực, các tác phẩm của nhà văn Nam Cao chứa đựng một nội dung nhân đạo sâu sắc và độc đáo không lẫn vào đâu được. Trong đó, "Chí Phèo" là kiệt tác về đề tài người nông nhân trước Cách mạng tháng tám của ông. Qua nhân vật trung tâm của tác phẩm - Chí Phèo - Nam Cao đã vẽ nên một hiện thực về người nông dân trong xã hội cũ, bị tha hóa nhân cách làm người. Thế nhưng, qua đó, câu chuyện về nhân vật đã gieo vào lòng người đọc niềm tin đối với người lao động bất hạnh, đồng thời nói lên giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.
1. Quá trình tha hóa của nhân vật Chí Phèo:
nông dân lương thiện -------------> lưu manh ---------------> quỷ dữ
1.1 Từ người nông dân lương thiện ----> lưu manh:
- Chí vốn là một thằng không cha, không mẹ, không họ hàng thân thích, không nhà cửa, bạn bè,,, Cả một thời niên thiếu sống bơ vơ: "đi ở cho hết nhà này sang nhà nọ". Lớn lên đi làm canh điền cho cường hào trong vùng. Lúc ấy Chí vẫn là một nông dân lương thiện, khỏe mạnh về thể xác và lành mạnh về tâm hồn - một con người "hiền như đất", giàu lòng tự trọng và biết phân biệt tình yêu cao thượng và nhục dục thấp hèn. Chí từng mơ ước một gia đình "chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải" - một ước mơ giản dị và rất người. Tuy nhiên, một cơn ghen vu vơ của Bá Kiến đã đẩy Chí vào tù, bắt đầu một quá trình tha hóa một con người. Nhà tù vốn là nơi để người có tội chuộc lỗi, là công cụ cải tạo con người. Vậy mà nhà tù thực dân đã tiếp tay cho bọn cường hào, ác bá, giết chết đi phần người trong Chí Phèo, để Chí mãi trượt dài trên dốc của sự tha hóa.
- Trở về sau 7,8 năm tù, Chí Phèo trở thành một "người ngoài" ở làng Vũ Đại vì sự đáng sợ toát lên ở vẻ ngoài: "Cái đầu trọc lốc... trông gớm chết!". Không chỉ biến dạng về diện mạo, hình hài đến trang phục, tính tình cũng khác: "Hắn mặc cái quần nái đen... trông gớm chết". Và Chí, giữa cái xã hội mà ai cũng nghĩ "chắc nó trừ mình ra", lạnh lùng xa lánh hắn, hắn uống rượu, chửi bới, dọa đốt quán, rạch mặt ăn vạ... Hắn đã trở thành một phần tử lưu manh một cách mù quáng.
1.2 Từ một kẻ lưu manh ----> quỷ dữ làng Vũ Đại:
- Không dừng ở đó, dưới bàn tay quỷ quyệt của Bá Kiến, Chí Phèo đã trở thành một công cụ gây tội ác trong mắt người dân làng Vũ Đại.
- Người đẩy Chí vào bước đường ấy là Bá Kiến, vậy mà chẳng những Chí Phèo không thể đòi lại công bằng cho mình mà còn trở thành một tên tay sai, một thứ công cụ: "hắn say thì hắn làm bất cứ việc gì người ta sai hắn làm...". "Hắn tác quái cho bao nhiêu dân làng, phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện... ".
- Và cứ như thế, Chí Phèo trượt dài trong sự tha hóa, bản thân mình nhân hình bị hủy hoại, nhân tính bào mòn, càng ngày càng dấn sâu vào tội ác, vực thẳm của đau thương và tội lỗi, bị chính kẻ thù lợi dụng và trượt dài trên con đường tha hóa, không lối thoát.
=> Tấn bi kịch đầy nghịch lý, vừa là nạn nhân của bọn cường hào, ác bá, vừa là con quỷ dữ của làng, bị mọi người xa lánh, ngoảnh mặt. Ngòi bút nhân đạo của nhà văn Nam Cao đã vạch trần hiện thực trước mắt người đọc, đó là sự cùng quẫn của hoàn cảnh sống, sự nham hiểm, độc ác của bọn cường hào, địa chủ ở nông thôn, sự phi nhân tính của nhà tù thực dân và định kiến của đồng loại đối với những con người cùng đinh, khốn khổ như Chí Phèo. Chính xã hội phi nhân tính đã đẩy con người vào con đường lưu manh, tha hóa.
2. Quá trình thức tỉnh:
2.1 Sau đêm gặp Thị Nở, Chí Phèo sống lại với những cảm xúc đầy nhân tính:
- Lần đầu tiên sau những cơn say vô tận, "hắn tỉnh" và nhận ra cuộc sống xung quanh qua những âm thanh: "Tiếng chim hót... cá...". Những âm thanh cuộc sống rất thực ngoài kia đang đánh thức hắn, kéo hắn ra khỏi những ngày tháng u mê, tăm tối, gợi nhắc đến mơ ước rất người mà hắn từng ấp ủ. Chí cũng nhận ra bản thân mình "hình như đã trông thấy trước... và ốm đau".
- Chí thức tỉnh và sống lại với những cảm xúc rất người cùng ý thức cũng đã trở lại trong hắn.
2.2 Sự chăm sóc của Thị Nở làm tâm hồn Chí Phèo thực sự hồi sinh:
- Đó là lần đầu tiên Chí được chăm sóc bởi bàn tay một người đàn bà, bằng một bát cháo hành giản dị, chân thành của Thị Nở. Đó là bát cháo từ bàn tay ấm nóng tình thương làm "hắn rất ngạc nhiên", "hết ngạc nhiên hắn thấy mắt hình như ươn ướt".
- Bát cháo hành của Thị Nở đã đánh thức trong Chí những tình cảm lành mạnh, những cảm xúc rất người. Hắn khóc. Bởi vì "đây là lần thứ nhất hắn được người ta cho", hắn được cư xử như một con người. Trước đây, muốn được ăn, hắn toàn phải dọa nạt, giật cướp, phải rạch mặt ăn vạ... Hắn nhận bát cháo hành bốc khói mà "bâng khuâng", vừa "vui" vừa "buồn", vừa "có một cái gì đó như là ăn năn". Những cảm xúc con người đã thức dậy trong tâm can của Chí Phèo. Chính hương vị cháo hành - thứ hương vị của tình thương chân thành và cảm động. Hạnh phúc giản dị mà thấm thía lần đầu tiên Chí được nhận lấy đã đánh thức nhân tính bị vùi lấp lâu nay: "Trời ơi! Hắn thèm lương thiện... thân thiện của những người lương thiện." Quả là kì diệu. Cái bản chất đẹp đẽ của người nông dân lương thiện bị vùi dập lâu nay lại bừng sáng trong tâm hồn Chí Phèo.
2.3 Sự thức tỉnh về quyền làm người và bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người lương thiện:
- Thế mà, sự xuất hiện của Thị Nở chỉ như một tia chớp lóe lên rồi vụt tắt trong cuộc đời Chí Phèo. Hình ảnh người đàn bà ấy như một cách để Nam Cao soi rọi ánh sáng lương thiện vào tâm hồn Chí Phèo để làm hồi sinh những phẩm chất người trong hắn.
- Trong lúc tưởng chừng như hạnh phúc đã thuộc về mình, hắn cay đắng nhận ra rằng mình "không thể làm người lương thiện được nữa", Thị Nở từ chối hắn, mọi người từ chối hắn. Bởi hắn chỉ là "một thằng không cha... ăn vạ". Hắn đã gây ra bao bất hạnh cho bao người. Mọi nẻo đường để quay về một cuộc sống bình dị, lương thiện đã bị khép chặt. Hắn thức tỉnh nên ý thức rất rõ bi kịch của cuộc đời mình, thấm thía và đớn đau.
- Hắn tìm đến rượu, nào ngờ đâu không làm hắn say mà "càng uống càng tỉnh". Cái tỉnh của Chí là cái tỉnh của một con người với nỗi đau quá lớn và ý thức rất rõ về cuộc đời mình trong sự bất lực, buông xuôi. Sự từ chối của Thị Nở đã khép lại bao hy vọng của hắn. Hơn bất cứ lúc nào, hắn cảm thấy nỗi bất hạnh to lớn đè nặng tâm hồn mình, để rồi chỉ có thể bất lực mà "ôm mặt khóc rưng rức".
- Không còn con đường nào khác, Chí Phèo vác dao đến nhà Bá Kiến. Chí ý thức rất rõ tình cảnh của mình. Đến nhà Bá Kiến, Chí Phèo muốn đòi "lương thiện", đòi quyền làm người - một con người đúng nghĩa. "Tao muốn làm người lương thiện... nữa". Những vết cắt của tội lỗi đã hằn trên khuôn mặt hắn, hắn biết rằng đã quá muộn màng để quay đầu. Chí Phèo vung dao giết Bá Kiến nhưng hắn không để mình trở lại cuộc sống của một quỷ dữ như trước nữa. Và lưỡi dao oan nghiệt cũng đã kết thúc một kiếp người khốn khổ. Cái chết Chí Phèo đầy uất hận nhưng đó là nỗi khao khát của người nông dân bị tha hóa, muốn được lương thiện. Chí Phèo chết bởi hắn khao khát lương thiện nhưng định kiến xã hội đã không chừa cho hắn cơ hội. Chí Phèo chết trong sự nhận thức rất rõ về chính mình và bi kịch bị từ chối ấy.
3. Đánh giá:
- Miêu tả quá trình tha hóa và thức tỉnh của nhân vật Chí Phèo là yếu tố làm nên giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc của tác phẩm. Tác phẩm là tiếng nói đanh thép, tố cáo chế độ thực dân phong kiến đã xô đẩy bao con người lương thiện đến tận cùng của sự tha hóa. Tác phẩm còn là niềm tin yêu vào những người lao động cùng khổ: Xã hội dù đã hủy hoại nhân hình nhân tính của con người nhưng bản chất ốt đẹp và khát vọng làm người của họ vẫn hiện hữu.
- Thể hiện quá trình tha hóa và thức tỉnh, Nam Cao đã thể hiện bản lĩnh của một cây bút hiện thực sắc sảo, tạo nên một hình tượng nghệ thuật đa diện có sức sống nội tạng, để lại nhiều suy ngẫm trong lòng độc giả.
=> Quá trình tha hóa và thức tỉnh của Chí Phèo được nhà văn Nam Cao thể hiện hết sức thành công bằng biện pháp nghệ thuật nghiêm ngặt của một cây bút văn học hiện thực xuất sắc cùng với cảm xúc của một trái tim "sống đời, trải đời" giàu tình thương với con người và cuộc sống, làm cho "người gần người hơn".