Tôi từng đứng trước dòng sông và nhìn nước chảy
"Xuân đương đến
nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là
xuân sẽ già..." (Xuân Diệu)
Thời gian vốn dĩ là một
vòng lặp, ngày qua ngày, tháng cùng tháng, năm hoài năm. Trái đất, mặt trăng và
các vì sao đã, đang và sẽ cùng nhau tiếp tục quay quanh mặt trời. Tất cả dường
như là một vòng lặp vô tận, vòng lặp vô tận để sự sống tồn tại và tiếp diễn.
Dòng chảy thời gian không ngừng trôi. Dòng sông và con nước cũng không ngừng
chảy. Đối diện với dòng chảy đó, chúng ta đều có sự chiêm nghiệm của riêng
mình.
"Tôi
từng đứng trước dòng sông và nhìn nước chảy. Chảy trong ban mai, chảy trong
hoàng hôn và chảy trong bóng tối. Và tôi nghĩ về lịch sử của sự sáng tạo. Lịch
sử của sáng tạo nghệ thuật trên thế gian này giống như sự chảy của dòng sông.
Không bao giờ ngưng nghỉ. Thế hệ nước này tiếp thế hệ nước trước đó để tạo ra
vẻ đẹp nghệ thuật của nhân loại. Các thế hệ nghệ sỹ luôn mang lại một sức sống
mới cho nghệ thuật. Họ tiếp nhận sự truyền cảm của thế hệ trước. Nếu không có
những thế hệ nghệ sỹ trước đó thì các nghệ sỹ của thế hệ tiếp theo sẽ không có
nguồn lực để sáng tạo và khai phá. nhưng nếu không có những nghệ sỹ của thế hệ
tiếp theo thì nghệ thuật bắt đầu rơi vào bất động và đi tới hủy diệt. Tất cả
giống như nước chuyển động trong một dòng sông. Sự mới mẻ trong nhịp chảy của
nước chính là sự sống của dòng sông. Việc các nghệ sỹ thế hệ tiếp theo chỉ sao
chép nghệ thuật của các nghệ sỹ đi trước chính là sự "ngưng chảy" của
con sông nghệ thuật. Và đấy là cái chết.
Đừng
bao giờ tách rời con nước hôm qua với con nước hôm nay. Đừng tách rời các thế
hệ nước ra khỏi con sông, cũng như đừng tách rời các thế hệ nghệ sỹ ra khỏi
dòng chảy của nghệ thuật. Đại dương mênh mông không phải là một khối bất động.
Nó chứa đựng những giọt nước trong sự thống nhất thẳm sâu và cao cả của nó. Nếu
tách rời từng giọt nước ra khỏi sự thống nhất của đại dương thì chúng ta chỉ
nhìn thấy những giọt nước nhỏ bé, đơn độc và dần dần biến mất. Khi tôi chạm tay
vào con sông, tôi thấy sự tinh khiết và sức chảy của nước. Trong sự tinh khiết
và sức chảy của nước hôm nay chứa đựng sự tinh khiết và sức chảy của nước từ
ngàn năm trước."
(Trích Dòng sông và những thế hệ của nước, Nguyễn Quang Thiều, Viết & đọc - Chuyên đề mùa thu 2023, Nhiều tác giả, NXB Hội Nhà Văn, 2023, tr. 8)
Tôi từng đứng trước dòng sông và nhìn nước chảy |
"Ta là Một, là
Riêng, là Thứ Nhất." (Xuân Diệu) Mỗi chúng ta sinh ra trên thế giới này
vốn dĩ chính là duy nhất. Chúng ta mang trong mình cá tính, sự trải nghiệm và
quan điểm riêng. Góc nhìn của chúng ta đối với mọi sự vật, sự việc sẽ khác nhau
dựa trên những gì chúng ta trải qua, những gì chúng ta cảm nhận được từ cuộc
sống. Sau mỗi giai đoạn của cuộc đời, chúng ta lại dành cho mình những phút
giây được sống chậm lại và chiêm nghiệm. Cũng như nhà văn Nguyễn Quang Thiều,
khi đối diện với dòng chảy mãi miết không ngừng của dòng sông, ông đã liên
tưởng đến dòng chảy của văn học.
Dòng chảy văn học bắt
nguồn từ chính cuộc sống, lắng đọng lại và tỏa sáng thông qua cảm quan nghệ
thuật đầy sáng tạo của những người nghệ sỹ. Các thế hệ nối tiếp nhau, dựa trên
những nguồn lực sẵn có của các thế hệ trước, từ đó thỏa sức sáng tạo, khai phá,
làm nên một thế giới nghệ thuật đầy màu sắc.
"Nếu tách rời từng
giọt nước ra khỏi sự thống nhất của đại dương thì chúng ta nhìn thấy những giọt
nước nhỏ bé, đơn độc và dần dần biến mất".
Vốn dĩ, nền văn học được
tạo nên bởi những con người rất thật, rất đời. Tác phẩm của họ được dệt nên bởi
những câu từ, ý tứ thể hiện một góc nhìn của riêng mình, thể hiện cái tôi cá
nhân khác biệt. Tất cả những cái tôi cá nhân đó, tụ chung lại, tạo nên một nền
văn học đầy sáng tạo. Chúng ta được biết đến một Xuân Diệu yêu tha thiết, cuồng
nhiệt đến mức muốn:
"Đã hôn rồi, hôn
lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt..."
(Biển)
Hay một Xuân Quỳnh, lúc
dịu dàng, đôi khi lại vô cùng mãnh liệt:
“Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may
Áo em sơ ý cỏ găm đầy
Lời yêu mỏng mảnh như màu khói,
Ai biết lòng anh có đổi thay?”
(Hoa cỏ may)
"Em trở
về đúng nghĩa trái-tim-em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi."
(Tự hát)
Hay một Huy Cận cô đơn
bao trùm trong hình ảnh “Củi một cành khô lạc mấy dòng.” (Tràng Giang). Nhưng cũng
không thiếu những cái tôi đã để lại trong lòng độc giả những cảm xúc riêng biệt
khác qua những hình tượng nhân vật đầy ám ảnh. Chúng ta vẫn còn nhớ một Lão Hạc
cô đơn, vất vả nhưng vẫn cố sống một cuộc đời trong sạch; một Chí Phèo với hàng
tấn bi kịch, với nỗi đau dằn xé khi cứ trượt dài xuống đáy cuộc đời... dưới ngồi
bút của Nam Cao hay hình ảnh sông Đà hùng vĩ, dữ dội với tính cách hung bạo, nhưng
cũng không kém phần thơ mộng, trữ tình... của nhà văn Nguyễn Tuân.
"Chao ôi! Ðối với
những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn
dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ối... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn;
không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta
thương..." (tác phẩm Lão Hạc)
“Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của
mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng
còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng,
buồn đau ích kỷ che lấp mất...” (tác phẩm Lão Hạc)
“Những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng
cháo rất ngon. Nhưng sao lại mãi đến bây giờ hắn mới nếm vị mùi cháo?” (tác phẩm
Chí Phèo)
Và rồi chúng ta lại thấy
những cây bút trẻ, mang đến một luồng gió mới, giúp chúng ta có thêm góc nhìn mới
trong cuộc đời này:
“Có những ngày chỉ muốn trở về quê
Nằm nghe gió rít qua
hàng song cửa
Nói với mẹ: Con không
đi làm nữa
Mẹ nuôi con đọc sách hết
đời, nghe?”
― Nguyễn Thiên Ngân
“Có những cuộc chia
ly theo kiểu năm năm, mười năm sau người ta không còn nhớ được giờ, ngày,
tháng, năm nào đã chia ly, người ta chỉ bật khóc và hỏi lại cái câu đã hỏi cả vạn
lần là tại sao phải chia ly như thế.” (Trích "Úp mặt"- MÂY TRẮNG
GIĂNG NGANG LƯNG TRỜI - Trương Văn Tuấn)
Một Nguyễn Thị Ánh Viên
được xem là kình ngư “vàng” đem về niềm tự hào cho dân tộc. Hay một Trần Khánh Vy
với kỹ năng ngoại ngữ xuất sắc đã truyền cảm hứng tích cực cho các bạn trên con
đường học tập...
Dù là trong văn học hay
là thực tế cuộc sống, chính cá tính đã tạo nên sự khác biệt, sự khác biệt tạo nên
sự đa dạng và đầy sáng tạo. Tất cả đều là sự kế thừa dựa trên khởi nguồn của những
con người đi trước, với mục tiêu đem đến cái đẹp cho đời, cho người, chấp nhận hiện
thực cuộc sống và góp phần làm cho nó thêm tốt đẹp và rực rỡ hơn.
Chúng ta nên hiểu rõ bản thân mình, tìm cho mình một phong cách phù hợp với cá tính – cái tôi cá nhân. Bên cạnh đó cũng cần phải tôn trọng cái tôi của người khác. Bởi lẽ, chúng ta không nên ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình. Nếu chúng ta chỉ có một mình thì cũng sẽ như giọt nước, gặp ánh nắng mặt trời, sớm muộn cũng sẽ bóc hơi bay đi mất. Bởi lẽ, có câu nói rằng: Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau.