Phong cách nghệ thuật thơ Hồ Chí Minh

23:23:00 Làm văn nghị luận 0 Comments

Hồ Chí Minh không phải chỉ có tâm hồn nghệ sĩ chứa chan cảm xúc mà Người còn là một tài năng nghệ thuật, là một nghệ sĩ thực thụ. Là một tác gia lớn có vai trò quan trọng trong nền văn học Việt Nam, phong cách thơ đã làm nên một diện mạo riêng cho thơ Bác.


1. Quan điểm nghệ thuật:

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ tự nhận mình là một nhà thơ hay nhà văn mà chỉ là người bạn của văn chương, người yêu văn nghệ "Ngâm thơ ta vốn không ham". Nhưng trong thực tế, cùng với sự nghiệp cách mạng lớn lao, Bác vẫn làm thơ và để lại nhiều tác phẩm văn chương có giá trị nghệ thuật cao.

Sáng tác của Người hết sức phong phú, đa dạng về phong cách nghệ thuật. Tại sao lại có hiện tượng đó trong sáng tác của Người? Bác rất yêu và coi trọng văn chương nghệ thuật, coi trọng người nghệ sĩ, tâm hồn dễ tràn trào cảm xúc trước cái đẹp. Trên con đường hoạt động cách mạng, Bác nhận ra rằng, văn chương nghệ thuật có sức mạnh như một vũ khí đấu tranh lợi hại, tác dụng giáo dục to lớn. Người nắm lấy nó, màu sắc nó để phục vụ sự nghiệp cách mạng của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Do con đường đến với văn chương như vậy nên Bác coi sáng tác văn chương cũng là một hành vi cách mạng. Hiện tượng có vẻ như nghịch lý trong văn chương nhưng lại rất nhất quán trong quan điểm sáng tác ở Người.

Quan điểm sáng tác đó, trước hết coi hành vi sáng tác phải phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng: Viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào?

Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp
Mây gió trăng hoa tuyết núi sông
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
(Cảm tưởng đọc Thiên gia thi)
Như vậy, Hồ Chí Minh không phải chỉ có tâm hồn nghệ sĩ chứa chan cảm xúc mà Người còn là một tài năng nghệ thuật, là một nghệ sĩ thực thụ.

2. Đặc điểm phong cách thơ nghệ thuật:

a) Đặc điểm nổi bật trong phong cách thơ của Người là hết sức ngắn gọn, súc tích, trong sáng, hồn nhiên, tự nhiên. Nhưng bình dị mà không đơn điệu.

Bác là người rất giàu tinh thần sáng tạo, không chịu bó mình trong những nghi lễ, những công thức cứng nhắc, vì vậy thơ Bác mang nội dung hết sức sâu sắc, phong phú. Giữa chiến khu Việt Bắc trong cuộc kháng chiến gian khổ, bài "Cảnh khuya" như một bức tranh thủy mặc trong sáng, thanh cao bộc lộ tâm trạng đau đáu của một vị lãnh tụ suốt đời vì nước, vì dân:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

b) Thơ ca thể hiện sâu sắc và tinh tế vẻ đẹp tâm hồn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thơ của Người có thể chia làm hai loại: thơ tuyên truyền và thơ nghệ thuật. Những bài thơ nghệ thuật viết theo cảm hứng thẩm mỹ hầu hết là thơ tứ tuyệt cổ điển, bằng chữ Hán, mang đặc điểm của thơ cổ phương Đông "ý tại ngôn ngoại" với sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc cổ điển với bút pháp hiện đại.

- Màu sắc cổ điển được thể hiện ở nhiều phương diện nghệ thuật:
   + Thể thơ, hình ảnh, tứ thơ.
   + Bút pháp chấm phá, tả cảnh ngụ tình.
   + Nhân vật trữ tình gắn bó, chan hòa với thiên nhiên, phong thái an nhiên tự tại.
- Bút pháp hiện đại:
   + Nhân vật trữ tình trong thơ Bác không phải là ẩn sĩ mà là một chiến sĩ chủ động trong mọi hoàn cảnh, vượt qua mọi khó khăn với tinh thần lạc quan cách mạng và phong thái hiên ngang tiến công trước quân thù. Tinh thần chiến sĩ ẩn trong hình tượng thi sĩ.
   + Mạch thơ, hình ảnh thơ luôn vận động, hướng về cách mạng, sự sống, ánh sáng, niềm vui.
Thơ nghệ thuật là tiếng nói sâu sắc và tinh tế nhất của tâm hồn Bác: vừa hồn nhiên, vừa thâm trầm, sâu sắc, vừa trẻ trung, hiện đại, vừa đậm phong vị cổ điển tràn đầy chất thép, chan chứa chất tình dạt dào cảm xúc trước thiên nhiên, tạo vật, con người, thấm đẫm chất nhân đạo.
Vần thơ của Bác vần thơ Thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát Tình
(Hoàng Trung Thông)

You Might Also Like