Chất thơ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

17:17:00 Làm văn nghị luận 0 Comments

Chất thơ đã trở thành một trong những đặc điểm của phong cách Thạch Lam giúp ông đưa hiện thực vào trang sách một cách chân thành, sâu lắng. Chất thơ trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" (SGK Ngữ Văn 11) đã góp phần mở rộng tâm hồn, đem đến cho người đọc một cái gì nhẹ nhõm thơm lành và mát dịu.


1. Giải thích:

- Chất thơ:

+ Tính trữ tình - sự hòa quyện giữa cảm xúc, tâm trạng tình cảm với vẻ đẹp của cách biểu hiện nó.
+ Khơi gợi những rung động thẩm mỹ và tình cảm nhân văn.

- Chất thơ trong truyện ngắn:

+ Được nhà văn khai thác và biểu hiện một cách tinh tế qua mạch cảm xúc tâm trạng, tình cảm của các nhân vật hoặc của chính mình.
+ Thể hiện qua: những chi tiết hình ảnh đầy gợi cảm, lối hành văn trong sáng, truyền cảm phù hợp với nhịp điệu riêng của cảm xúc tâm hồn.
=> Một truyện ngắn được đánh giá là giàu chất thơ khi mối bận tâm của người viết không đặt nặng vào việc kể lại một biến cố sự việc hành động mà là làm bật lên một trạng thái đời sống hoặc tâm hồn con người.

2. Phân tích:

a) Vẻ đẹp của cảm xúc, tâm trạng, tình cảm:

- Nhân vật Liên: tâm hồn trẻ thơ trong sáng và thuần khiết tự nhiên như chưa từng chịu một tác động tiêu cực nào của cuộc sống.
+ Rung động tinh tế trước cuộc sống xung quanh: Cảm nhận cái buồn của buổi chiều, thích thú ngắm bầu trời đêm với ngàn sao lấp lánh, mơ mộng về con vịt theo sau ông thần nông, về dòng sông Ngân Hà trong các câu chuyện cổ tích. Nhạy cảm với những dấu hiệu dù mơ hồ nhất của thế giới quanh mình: những con đom đóm lập lòe, những khe sáng hột sáng lọt qua khe cửa, từng loạt hoa bàng rụng khẽ xuống vai áo.
+ Lòng trắc ẩn với những cảnh ngộ đáng thương: Nhìn những đứa trẻ đang nhặt nhạnh, tìm kiếm trên bãi chợ Liên thấy động lòng thương... Tấm lòng thơm thảo, Liên rót đầy hơn vào cốc rượu của bà cụ Thi.
+ Hoài niệm về quá khứ và mộng mơ theo đoàn tàu đi ngang qua dù trong thoáng chốc: "Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo... "
+ Cái tôi Thạch Lam ẩn kín sau nhân vật: Viết bằng chính những trải nghiệm tuổi thơ, cái tình âu yếm dành cho nhân vật (xuất phát từ cái nhìn nhân hậu, yêu thương của người lớn dành cho trẻ thơ, hóa thân vào nhân vật, kí ức tuổi thơ gắn liền với phố huyện Cẩm Giang).

b) Vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật:

- Thạch Lam xây dựng một thế giới hình ảnh vừa chân thực, sinh động, lại vừa vô cùng gợi cảm:
+ Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật bình thường.
+ Không gian: Một phố huyện nghèo, nơi tiếp giáp giữa thành thị và thôn quê.
+ Trong không khí êm ả tĩnh lặng của phố huyện, tất cả như một trạng thái của sự sống đang xao động để chuyển dần một cách tinh tế cái xao động át vào tâm hồn con người.
- Thạch Lam đã lựa chọn nhiều chi tiết thể hiện tinh tế sâu sắc thế giới của những cảm xúc, cảm giác và tình cảm vừa mơ hồ vừa da diết trong tâm hồn nhân vật:
+ Chi tiết Liên ngồi bên mấy quả thuốc sơn đen lúc chiều muộn.
+ Chi tiết Liên cùng em ngắm những vì sao.
+ Chi tiết đợi tàu: đoàn tài với 2 chị em vừa là một thực tế vừa là một ảo ảnh trong cái nhìn non trẻ đầy khát khao.
- Mạch truyện đậm chất trữ tình:
Hiện thực trong tác phẩm là hiện thực tâm trạng, cảm xúc, rung động trong tâm hồn con người. Truyện không có cốt truyện mà vận động theo cảm xúc tâm trạng nhân vật. Nhà văn đặt điểm nhìn trần thuật vào nhân vật Liên, mọi vật hiện ra đan xen giữa hiện thực và quá khứ, là hành trình đi tìm lại kí ức từ những gì có ở hiện tại. Xu hướng đi vào thế giới bên trong với những cảm xúc, cảm giác mong manh, mơ hồ, những biến thái tinh vi của tâm hồn trước ngoại cảnh.
- Bút pháp trữ tình đặc sắc trong lời kể, giọng kể:
+ Lời văn nhuần nhuyễn, tinh tế diễn tả trạng thái cảm xúc.
+ Câu văn nhiều thanh bằng gợi nhịp điệu chậm buồn, đầy sức lan tỏa.
- Thạch Lam sáng tạo ra một thứ ngôn ngữ nghệ thuật riêng: Cách dùng từ ngữ có sức liên kết để tạo dư âm sâu lắng trong lòng người đọc.
- Văn phong bình dị: câu văn ngắn, nhịp chậm rãi, thong thả. Dù diễn tả cái náo nức bên trong, cái sôi động của ước mơ, Thạch Lam vẫn rất nhẹ nhàng tự nén ngòi bút.

3. Kết luận:

Truyện ngắn "Hai đứa trẻ" từ hình thức nghệ thuật đến nội dung đều chan chứa chất thơ. Cái chất thơ cất lên từ đời sống bình dị bằng chính rung động của tâm hồn nhà văn từ tình yêu cái đẹp, từ cái nhìn tinh tế trước thiên nhiên, đời sống và tình yêu thương con người.

You Might Also Like